Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Sáng chế đáng ngưỡng mộ của nông dân Việt

Lão nông tái chế lốp cao su xuất khẩu ra nước ngoài

Ông Nguyễn Lương Thông (SN 1959, quê Ý Yên, Nam Định) được người dân trong vùng mệnh danh là "Vua tái chế cao su" bởi những sản phẩm tái chế từ các lốp xe bỏ đi để làm giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại…của ông đã được xuất ra tận nước ngoài.


Các sản phẩm đã được tái chế.

Ông Thông tách các lớp cao su từ lốp xe ô tô hỏng thành các mảnh là đến công đoạn đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo màu sắc như mới cho sản phẩm. Sau đó phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau.


Mỗi tháng gia đình ông Thông chế tạo ra 20.000 sản phẩm.

Với mức giá nguyên liệu đầu vào dao động từ 3.500-4.500 đồng/kg lốp thường và 10.000 đồng/kg lốp đặc chủng và giá bán ra cả trăm nghìn đồng/ đôi, tùy loại, hàng năm gia đình ông thu nhập lên tới trên 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gia đình ông Thông còn kết hợp làm thêm các sản phẩm mây tre đan, vốn là thế mạnh truyền thống của địa phương.

Ngoài tái chế cao su, ông Thông còn chế tác các sản phẩm kỹ nghệ.


Các sản phẩm kỹ nghệ của gia đình ông Thông

Hiện nay, công ty gia đình ông Thông có hàng nghìn m2 nhà xưởng và đang mở rộng thêm, làm cả sang nhiều lĩnh vực khác để xuất đi nước ngoài. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông xuất sang thị trường các nước khoảng 10.000 sản phẩm. Thời gian gần đây, con số này đã lên tới 15-20.000 sản phẩm/tháng.

Không những tạo lợi nhuận giúp gia đình, xưởng sản xuất cao su của ông Thông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng mỗi tháng. Những lao động trong gia đình ông chủ yếu là người thân của các đồng đội nhập ngũ trước đây, mời về làm để tạo điều kiện tăng thêm thu nhập.

Ông Thông chia sẻ, cơ duyên đến với sự nghiệp tái chế này bắt đầu rất tình cờ khi có người tự giới thiệu thuộc Cty Thương mại Cánh đồng xanh, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tìm đến, đưa các mẫu sản phẩm đặt ông làm thử. Sản phẩm của ông được khách hàng ưng ý và đem mẫu sản phẩm đi triển lãm Châu Âu vào năm 2007.

Với những thành quả đã đạt được, ông Thông tự tin rằng cơ sở sản xuất, tái chế cao su của mình là số một miền Bắc hiện nay.


Chiếc bể nước nóng ở Bắc Giang “gây sốt”

Từ vài năm trở lại đây, bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời đã không còn gì xa lạ với người dân. An toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên dồi dào và miễn phí chính là các cụm từ mà người ta sẽ liên tưởng ngay khi nhắc đến máy nước nóng Thái dương năng. 
Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là chi phí của bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời khá cao, thường gấp 4 – 5 lần so với bình nước nóng dùng điện thông thường. Do đó, sáng kiến tự xây bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời của “lão ông” Bắc Giang 60 tuổi đang “xình xịch gây sốt” khắp cả nước.


Ông Tuấn bên bể nước nóng của mình

Ông Ngô Quốc Tuấn, hiện đang sinh sống tại thôn Tân Thành, phường Đa Mai, TP.Bắc Giang đã sáng kiến ra bể nước nóng năng lượng Mặt Trời vô cùng độc đáo. Ở thời điểm mùa hè, bể nước nóng có nhiệt độ lên đến gần 100oC, còn mùa đông, kể cả trong tiết trời âm u, gia đình vẫn có đủ nước nóng để dùng mà không tốn một xu tiền điện nào hết.

Đầu tiên, ông Tuấn xây một bể vuông giống như một bể nuôi cá cảnh bằng những tấm kính đơn giản và những miếng xốp dễ tìm. Dưới đáy và 4 mặt xung quanh đều là lớp kính đen dày 1cm để hấp thụ nhiệt. Phía trên bể nước là 2 lớp kính trắng 5 ly, đặt cách nhau từ 4cm đến 5cm để tạo thành lớp đệm không khí giữ nhiệt giống như ruột phích.

Còn chiếc bể thì được thiết kế theo nguyên tắc, diện tích tấm kính trên bề mặt tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời càng lớn thì nhiệt lượng thu được càng nhiều, do vậy diện tích bể gần 2m2 nhưng thành bể chỉ cao 20cm. Tuy kết cấu đơn giản nhưng chiếc bể rất hiệu quả trong việc hấp thụ và giữ nhiệt. Từ đó, giúp mọi người có nguồn nước nóng quanh năm sử dụng mà chẳng lo vấn đề lạnh giá dù Bắc Giang là tỉnh vùng cao phía Bắc hầu như lạnh quanh năm.

Bồn nước nóng Thái dương năng của người nông dân Bắc Giang là sự minh chứng rõ ràng nhất về sự đơn giản, hiệu quả khi tận dụng nguồn năng lượng Mặt Trời để có được nguồn nước nóng thông qua một bể nước tự chế, thuận tiện, không tốn điện năng, giá thành rẻ, an toàn, có thể lắp đặt ở bất cứ đâu. Sau khi sử dụng thành công, ông Tuấn đã không ngần ngại giúp đỡ bà con xung quanh để xây dựng những chiếc bể tương tự nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước nóng hằng ngày để tiết kiệm chi phí hơn.

Sự sáng tạo, tài năng của con người dường như chẳng phân biệt tuổi tác, địa vị. Hy vọng ông Tuấn sẽ có nhiều sáng kiến hay hơn nữa trong tương lai.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Kênh Tham Lương sẽ sạch hẳn sau 5 năm



Công trình xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (phường An Phú Đông, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng từ cuối năm 2015, đến nay cơ bản hoàn tất việc san nền, tập kết vật tư.



Một trong những dự án lớn nhằm góp phần cải thiện môi trường nước ở thành phố Hồ Chí Minh.


Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý vận hành các nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết: nhà máy xử lý nước thải ở phường An Phú Đông giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào giữa năm 2017 nếu giữ đúng tiến độ. Dự án sẽ thu gom, xử lý nước trên dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên trước khi xả ra sông Vàm Thuật, Sài Gòn.



Ông Dũng chia sẻ thêm ngoài nhà máy ở An Phú Đông, dự kiến sau năm 2020 TP sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải ở khu vực Tây Sài Gòn (dự kiến xây dựng gần KCN Tân Bình).




Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết, giai đoạn 2 cho hay hiện công tác chuẩn bị thực hiện các hạng mục như thiết kế thi công… cũng sắp hoàn thành. Dự kiến công trình sẽ đưa vào sử dụng trước năm 2020 với công suất xử lý 480.000 m3/ngày đêm.




“Đến năm 2020, các nhà máy lớn xử lý nước đi vào hoạt động sẽ có hơn 1,1 triệu m3 nước thải sinh hoạt ở TP (gần một nửa lượng nước thải) sẽ được thu gom, xử lý. Như vậy, chất lượng nguồn nước ở TP cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Nhiều không gian sống trong lành cũng sẽ được hình thành trong tương lai không xa” - ông Dũng nhận định.




Ông Dũng cho biết theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 12 nhà máy để xử lý 2,8 triệu m3 nước thải phát sinh mỗi ngày. Do nguồn vốn đầu tư quá lớn nên TP kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư). “Hiện nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện một số dự án sau giai đoạn 2020 như nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn, nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm…” - ông Dũng thông tin thêm.




Nhiều người dân sống ven kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (quận Gò Vấp, 12, Bình Tân) tỏ ra phấn chấn khi thấy hai bên bờ kênh được giải tỏa, nhiều đoạn kênh đã được nạo vét thông thoát. “Lúc trước nước dơ, cỏ rác đọng đầy nên muỗi phát sinh nhiều vô kể. Sau khi kênh được nạo vét, bờ kênh được giải tỏa, tôi thấy nước kênh đỡ hôi hơn và muỗi giảm hẳn. Hy vọng là tới đây dòng kênh này sẽ trong xanh trở lại” - anh Thuận, nhà ở phường An Phú Đông, quận 12, bày tỏ.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Nghề môi trường : xu thế tương lai Việt Nam ?

Mức lương của ngành môi trường đang bị ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu tuy nhiên ở Việt Nam Cung > Cầu khiến cho mức lương của nghề này khá thấp mặc dù ở nước ngoài mức lương ngành này rất cao vì môi trường rất được chú trọng nhưng các bạn đừng lo lắng vì đó là quy luật phát triển , chỉ có điều Việt Nam chúng ta là người luôn đi sau mà thôi >.< .

Trước kia nghề môi trường được hình tượng hóa với việc thu gom chất thải, rác thải, thông cống, hút hầm cầu,... và thường được nghĩ tới từ "CHẤT THẢI"



Ngày nay công nghiệp phát triển và nhu cầu cần thiết của xã hội thì nghề môi trường không còn dính kèm với chữ "chất thải" nữa. Bài viết này tổng hợp 1 số công việc chính của nghề môi trường.
Nghề môi trường là cũng là một nghề trách nhiệm xã hội, sau khi tốt nghiệp thì một người có thể làm ở các nhiều lĩnh vực khác nhau như là:

  • Làm ở đơn vị quản lý nhà nước tức là công chức đây là mảng rất nhiều người mong muốn vì nếu ở 1 vai trò nào đó thì vừa có quyền, có tiền và ổn định. ( thực tế)
  • Làm ở đơn vị công ích, công ty nhà nước: giống như số 2.
  • Làm ở đơn vị sự nghiệp tức là viên chức. Vị trí này có thể có thêm nhiều thông tin và dễ dàng trở thành công chức hơn. Có nhiều dạng đơn vị sự nghiệp.
  • Cảnh sát môi trường. (đa số nhiều bạn theo đuổi nghề này khi chưa biết đặc thù của ngành cảnh sát như thế nào)
  • Tư vấn giấy phép theo luật nhà nước như ĐTM, cam kết,... (mức lương không cao, môi trường làm việc ít ổn định, áp lực, được đi lại nhiều nơi, phụ thuộc vào cung cầu của thị trường)
  • Chuyên gia tư vấn: CDM, auditor,.. (mức lương cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, áp lực, được đi lại nhiều nơi, cần tiếng anh và kỹ năng làm việc)
  • Tư vấn, thi công công trình xử lý chất thải. Công việc này khá gần với ngành xây dựng kèm với yếu tố công nghệ xử lý. (mức lương không cao, môi trường làm việc ít ổn định với những công ty tư vấn nhỏ, đi lại nhiều, phụ thuộc nhu cầu thị trường, và nhiều mối nguy trong quá trình thi công, vận hành). Hiện nay rất nhiều sinh viên theo đuổi công việc này vì phù hợp với chuyên ngành đào tạo trong trường.
  • Mô tả công việc của nhân viên Compliance (hot vì vai trò, trách nhiệm và ít trường đại học đào tạo)
  • Cán bộ HSE an toàn sức khỏe môi trường (hot vì lương cao, vai trò và ít trường đại học đào tạo)
  • Quản lý môi trường nhà máy (vị trí này thường sẽ kiêm nhiệm thêm an toàn, nhân sự,...)
  • Quản lý ISO 14001, ISO 9001,...nhà máy
  • Vận hành trạm xử lý chất thải: nước thải, chất thải nguy hại. (mức lương không cao, môi trường làm việc ổn định, ít bị áp lực nhưng độc hại)
  • CSR trách nhiệm xã hội.
  • ....

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiền lương ngành môi trường

  • Sự phức tạp của công việc: Các công việc phức tạp đòi hỏi trình độ và kỹ năng cao mới có khả năng giải quyết được sẽ buộc phải trả lương cao. Thông thường các công việc phức tạp gắn liền với những yêu cầu về đào tạo, kinh nghiệm và như vậy sẽ ảnh hưởng đến mức lương. Sự phức tạp của công việc phản ánh mức độ khó khăn và những yêu cầu cần thiết để thực hiện công việc.
  • Yêu cầu về trình độ học vấn và đào tạo
  • Yêu cầu các kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc
  • Trách nhiệm đối với công việc.
  • Các phẩm chất cá nhân
  • Tầm quan trọng của công việc: Phản ánh giá trị của công việc. Các công việc có tầm quan trọng cao sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của tổ chức.
  • Điều kiện để thực hiện công việc. Các điều kiện khó khăn nguy hiểm đương nhiên sẽ được hưởng mức lương cao hơn so với điều kiện bình thường. Sự phân biệt đó để bù đắp những tốn hao sức lực và tinh thần cho người lao động cũng như động viên họ bền vững với công việc.
  • Kinh nghiệm của bản thân người lao động.
  • Kinh nghiệm được coi như một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lương bổng của cá nhân. Hầu hết các cơ quan tổ chức trên thế giới đều dựa vào yếu tố này để tuyển chọn và trả lương.
  • Thâm niên công tác. Ngày nay trong nhiều tổ chức yếu tố thâm niên có thể không phải là một yếu tố quyết định cho việc tăng lương. Thâm niên chỉ là một trong những yếu tố giúp cho đề bạt, thăng thưởng nhân viên.
  • Khả năng tài chính của Công ty
  • Năng suất lao động
  • Tình hình cung cấp sức lao động trên thị trường (hiện nay xử lý chất thải và quản lý môi trường rất nhiều trường ĐH đào tạo)
  • Nhu cầu của thị trường
  • Luật pháp (yêu cầu phải có cán bộ HSE, môi trường ở 1 số lĩnh vực)

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Kiểm soát ô nhiễm môi trường bằng viêc quản lý thoát nước đô thị

Hầu hết các đô thị lớn và vừa đều đã có dự án thoát nước và vệ sinh môi trường với quy mô khác nhau mặc dù đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đòi hỏi lượng vốn đầu tư không hoàn lại rất lớn. Vì trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều công trình cấp thoát nước đô thị đã xuống cấp, khả năng tiêu thoát nước kém, gây ô nhiễm.


Hiện trạng thoát nước thải đô thị

Hệ thống thoát nước đô thị chủ yếu là hệ thống cống chung. Chỉ có một số nơi nhất định trong đô thị đầu tư hệ thống thoát nước thải riêng như : Buôn Ma Thuột, Đà Lạt hoặc Phú Mỹ Hưng ( TP HCM).

Cả nước có khoảng 30 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 809.000m3/ngđ đến tháng 7/2015,  và có khoảng 40 nhà máy đang trong giai đoạn thiết kế hoặc xây dựng với tổng công suất 1.600.000 m3/ngđ.

Thực tế chỉ vận hành chưa tới 50% công suất thiết kế mặc dù đã đưa vào hoạt động, tỷ lệ đấu nối vào hệ thống thoát nước khoảng 65%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý khoảng 12% (các dự án hoàn thành đạt khoảng 15% ở các đô thị loại 3 trở lên). Tỷ lệ xử lý bùn thải 4%, tính theo công suất vận hành hiện nay.

Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường số 231/BC-CP ngày 22/5/2015 của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy, đối với nước thải khu công nghiệp: Trong số 214 KCN đang hoạt động trên cả nước có 166 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm 12%. Tổng cộng cả nước có 90 KCN đang vận hành hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Cục Quản lý môi trường Y tế tại Hội nghị liên ngành Y tế – Môi trường tổ chức hồi tháng 6/2014 cũng cho biết: Đối với nước thải bệnh viện chỉ có khoảng 50% bệnh viện trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải. Đối với nước thải các cơ sở công nghiệp và làng nghề trong đô thị, hiện có khoảng 5000 làng nghề và làng có nghề, nhưng tại hầu hết các làng nghề, phần lớn nước thải xả thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Hiện nay, ở các đô thị Việt Nam còn rất thiếu các trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên ở nhiều nơi, một số trạm xử lý nước thải đã được xây dựng lại hoạt động không hết công suất, do việc đầu tư không đồng bộ, thiếu cống thu gom nước thải nên không có nước thải chảy về trạm xử lý. Nhiều nơi do hạn chế, giảm thiểu chi phí, vận hành trạm xử lý không đúng chế độ thiết kế.

Các vấn đề kết hợp giữa bể tự hoại với mạng lưới thoát nước chung, riêng hay hỗn hợp tổ chức thoát nước và xử lý nước thải tập trung hay phân tán, vấn đề tái sử dụng nước thải, xử lý và tái sử dụng bùn cặn, lựa chọn công nghệ xử lý nước thải, tối ưu hoá vận hành và bảo dưỡng các công trình trong hệ thống thoát nước là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Xử lý nước thải phân tán

Số lượng hệ thống thu gom và xử lý nước thải phân tán quy mô nhỏ phục vụ cộng đồng nhỏ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Một số hệ thống xử lý nước thải phân tán áp dụng công nghệ chi phí thấp như các hệ thống vệ sinh dựa vào cộng đồng ở thôn Lai Xá, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hệ thống này sử dụng bể tự hoại với các vách ngăn mỏng và ngăn lọc kỵ khí Bastaf, bãi lọc nước trồng cây dòng chảy ngang.

Hệ thống xử lý nước thải cho một nhóm hộ gia đình (30 hộ) ở xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), ở thị trấn Chợ Mới và Chợ Rã (Bắc Kan) cũng áp dụng đầu tư, quản lý hệ thống xử lý nước thải phân tán là các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng dân cư địa phương và chính quyền địa phương. Vận hành và bảo dưỡng bền vững là vấn đề chính của hệ thống xử lý nước thải phân tán, do những hạn chế trong kỹ năng bảo trì và quản lý hệ thống.

Phương thức xử lý nước thải phân tán cho các sơ sở dịch vụ, sản xuất, cơ sở y tế, các cụm dân cư được áp dụng ngày càng nhiều ở Việt Nam, do nhu cầu đáp ứng tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải ngày càng chặt chẽ và ưu điểm giảm chi phí xây dựng cống, tính linh hoạt trong đầu tư và quản lý.

Bên cạnh các sản phẩm nhập ngoại, đã xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ xử lý nước thải phân tán do các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển hay Việt Nam hoá như: các bể tự hoại kiểu mới bằng bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn (Cty Thoát nước đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu), bể xử lý kết hợp kỵ khí và hiếu khí chế tạo sẵn bằng vật liệu composite theo công nghệ Bastafat và Afsb (Viện khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học xây dựng), các bể xử lý nước phân tán bằng bê tông cốt thép với công nghệ bùn hoạt tính, công nghệ lọc sinh học, bioten,…

Một số công trình xử lý nước thải phân tán như các công trình trong khách sạn, bệnh viện và các khu chung cư mới, xả nước thải đã qua xử lý vào mạng lưới thoát nước công cộng mặc dù đã xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải. Đó là do công tác lập kế hoạch phát triển vệ sinh môi trường chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng phát triển chồng chéo các hệ thống thoát nước tập trung và phân tán.

Công trình vệ sinh hộ gia đình phổ biến nhất ở các đô thị là bể tự hoại, chiếm trên 90% hộ gia đình. Tỷ lệ này rất khác nhau ở các đô thị. Theo đó, các vấn đề tồn tại đối với thoát nước hộ gia đình ở đô thị phổ biến là do có nhiều hộ gia đình có nhà tiêu tự hoại nhưng lại không được đấu nối vào hệ thống cống chung do không có mạng lưới cống trong các ngõ. Kết quả là nước thải chảy vào các rãnh hở hoặc chảy ra xung quanh hoặc ngấm vào đất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống nguồn nước ngầm.

Bên cạnh đó, một số hộ gia đình có nhà vệ sinh dội nước, xả thẳng chất thải vào cống chung mà không qua bể tự hoại hay các công trình xử lý cục bộ khác. Các bể tư hoại nói chung thường có dung tích nhỏ, trong khi việc hút bùn không được thực hiện định kỳ.

Nhiều hộ gia đình hàng chục năm không hút bể tự hoại của mình. Nước thải, do vậy được xả vào các cống chung, có lẫn theo bùn từ các bể phốt, khiến các cống dễ bị lắng cặn và nặng mùi xú uế, nhất là vào mùa khô.

Hiện nay, cách xử lý bùn phát sinh từ mạng lưới thoát nước và trạm xử lý nước thải phổ biến nhất là chôn lấp. Hệ thống thoát nước chung chứa bùn với các thành phần phức tạp và hàm lượng chất vô cơ cao, không phù hợp để thu hồi các chất có ích.

Nhiều thành phố đang gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích chôn lấp bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải. Cho đến nay việc thu hồi tài nguyên từ bùn chưa trở thành vấn đề quan tâm của các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Bùn bể tự hoại hoạt động hút, vận chuyển và thải bỏ phân bùn bể tự hoại từ các hộ gia đình, cơ quan xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ,… ở các đô thị còn nhiều bất cập. Chưa có thành phố nào quản lý tốt được hoạt động này.

Các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ hút phân từ bùn một cách tự phát, hầu hết đều đang thải bỏ phân bùn bừa bãi ra các bãi đất trống, vào mương, cống thoát nước hay trực tiếp ra sông, hồ,… gần nơi hút phân bùn để tiết kiệm chi phí vận chuyển mà không bị kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và lây lan dịch bệnh.

Để kiểm soát ô nhiễm môi trường, cần kiểm soát tốt hệ thống thu gom nước thải. Trong khi tại hầu hết các đô thị Việt Nam hiện nay, xả nước thải chung với hệ thống thoát nước mưa chống ngập của đô thị, kết hợp để thoát cả nước mưa và nước thải, gồm các kênh hở, ao hồ, cống bê tông, rãnh nước thải có nắp đậy. Hệ thống cống thoát nước riêng chỉ được xây dựng trong khoảng thập kỷ vừa qua nhưng cũng chỉ được thực hiện ở một số rất ít địa phương ở Việt Nam.

Tại các đô thị lớn, hệ thống cống chung đã được xây dựng hàng chục năm, đã hư hỏng xuống cấp nhiều. Trong khoảng 15 năm qua, hệ thống cống thoát nước đô thị được đầu tư lắp đặt mới ở các dự án thoát nước, nâng cấp đô thị và giao thông, chủ yếu là các tuyến cống cấp 1 và 2. Mạng lưới cống nhánh cấp 3, đặc biệt là cống nối từ các hộ xả thải vẫn thiếu hụt rất lớn (khoảng trên 35%). Trong khi rất nhiều nơi có đấu nối, nhưng đấu nối không đúng quy cách kỹ thuật làm giảm đáng kể khả năng thu gom và gây ô nhiễm môi trường tại chỗ.

Mạng lưới cống thoát nước đô thị nói chung và thu gom nước thải nói riêng đang dần được cải tạo, mở rộng và nâng cấp tuy kết quả thực hiện chưa được nhanh chóng và hoàn thiện để có thể kiểm soát tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Bãi rác đại dương tiếp theo sẽ là Côn Đảo


Xen lẫn các bãi biển trong lành, sạch sẽ ở Côn Đảo là những hòn đảo nhỏ ngập đầy rác thải bắt nguồn từ ý thức của khách du lịch.



Đây là những hình được chụp lại trên những đảo chưa khai thác du lịch nằm ngay trên hòn đảo chính Côn Sơn hay dưới những tán lá cây rừng ngặp mặn nằm ở những hòn đảo khác. Côn Đảo quang cảnh trong sạch có khả năng bị biến thành bãi rác đại dương nếu không được tổ chức dọn rác hằng năm...

Rác ngập bãi biển, 
rác bám rừng ngập mặn

Bãi Dong (khu vực Cỏ Ống, Côn Đảo) chiều 19-12-2015. Đây là bãi biển có phần giữa tiếp giáp với đường băng cất cánh của sân bay Cỏ Ống dài chừng 3km, một trong những bãi biển đẹp, còn hoang sơ, chưa có khu du lịch kinh doanh.

Bãi biển khá bằng phẳng, uốn lượn như một vòng cung nhưng lại ngập tràn rác. Rác ở đây không thiếu một thứ gì, từ phao, xốp đến chai lọ, giày dép, tay lưới, dây dù, từ những cành củi khô đến những cây tre dài.

Rác mắc kẹt trong hốc đá. Rác nằm vùi dưới cát. Bãi biển này chỉ có rác và rác. Bãi Dong có suối nước ngọt tên “suối Ớt” chảy ra biển, đoạn tiếp giáp của con suối với bờ biển có một hồ nước, rác nổi lềnh bềnh quanh hồ nước, có nơi rác đóng thành tầng và bị cát trắng phủ lên trên.

Một thợ hồ đang thi công công trình ở gần bãi Dong cho biết cứ mỗi lần rác tấp vào, người dân địa phương lại đến bãi để tìm nhặt những thứ còn dùng được về tận dụng.

Có người kiếm được cần câu. Có người lấy được chai thủy tinh đẹp. Ở đây còn có rác nhiễm dầu như can chứa dầu bị vứt bỏ, những sợi dây dù bị ngấm dầu đen. Sau vài chục phút đi trên bãi Dong, đôi giày thể thao trắng trở thành màu đen, dầu hắc dính đầy.

Đến hòn Bảy Cạnh - một hòn đảo nổi tiếng rùa biển lên đẻ trứng, rác tấp vào hoặc dạt khắp nơi thành từng mảng, chủ yếu cũng là các loại rác sinh hoạt, khó phân hủy như chai thủy tinh, chai nhựa, lưới rách, dây dù...

Khi thủy triều cạn, trên những cành cây, rễ cây lộ ra những bao nilông treo lủng lẳng. Một cán bộ kiểm lâm cho biết hòn Bảy Cạnh có bảy bãi gồm: bãi Cát Lớn, bãi Xi Măng, bãi Sạn, bãi Nhà Kho, bãi Giông, bãi Bờ Đập và bãi Dương, tất cả các bãi đều có rác nhưng bãi Bờ Đập là nhiều rác nhất.

Anh Nguyễn Văn Anh, quyền trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh, cho hay không thể ước tính được số lượng rác trên hòn Bảy Cạnh nhưng gom lại cũng cỡ vài trăm khối.

Theo anh Anh, rác từ ngoài biển tấp vào hòn theo hai mùa gió đông bắc (gió chướng) và tây nam. Gió đông bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau rác ngập vào bãi Bờ Đập. Còn gió tây nam từ tháng 4 đến tháng 9 gió thổi rác vào bãi Cát Lớn.

Nguy cơ thành bãi rác

Rác tấp vào Côn Đảo xuất phát từ nhiều nguồn. Nguồn do ngư dân xả rác trên biển, nguồn theo dòng hải lưu chảy “tứ phía” từ các nước láng giềng. Lượng rác tấp vào thì nhiều nhưng biển “lôi” ra lại rất ít, vì rác bị mắc kẹt trong những hốc đá, lùm cây, bị cát che phủ.

Ông Nguyễn Khắc Pho, phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết anh em kiểm lâm ngoài nhiệm vụ chính còn phải làm thêm việc phụ là dọn rác. Vào những ngày như “Môi trường thế giới” 5-6, vườn và chính quyền huyện có tổ chức dọn rác nhưng dọn không xuể.

Còn theo Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh thì anh em trong trạm chỉ đủ sức dọn và làm sạch những nơi du khách thường đến tham quan hay bãi rùa lên đẻ.

Ông Lê Tân Cương, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc ngăn chặn rác thải tấp vào các hòn, bãi ở Côn Đảo vào mùa gió chướng là không thể.

“Nếu rác tích lũy hằng năm và gia tăng khối lượng thì rất nguy hiểm, không tốt cho môi sinh, môi trường, nhất là Côn Đảo được định hướng phát triển du lịch sinh thái biển” - ông Cương nói.

Ông Nguyễn Thành Chính, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cũng thừa nhận thực trạng rác dồn, tấp vào Côn Đảo khi mùa gió chướng đến. Nhưng ban ngành chức năng của huyện không thể xử lý kịp vì lượng rác quá nhiều.

Theo tìm hiểu, chuyện rác thải tấn công Côn Đảo có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dường như sự việc không được báo cáo lên cấp cao hơn. Khi đề cập chuyện rác thải ở Côn Đảo, một cán bộ của ngành môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tỏ ra bất ngờ và nói “không được báo cáo”.

Theo thạc sĩ Bùi Hoài Nam - phó viện trưởng Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường), với các hình ảnh cho thấy rác ở Côn Đảo là rác thải sinh hoạt, trong đó có các chất thải rắn khó phân hủy như cao su, chai nhựa, dây thừng, lưới đánh cá...

“Nếu không được thu gom kịp thời sẽ ngày càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hậu quả trực tiếp của nó sẽ gây nhiễm độc các loại thủy hải sản nuôi trồng, khu vực đánh bắt ven bờ, làm suy thoái tới các hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm, mất bãi đẻ của các loài rùa biển... Đồng thời nó còn gây tác động tiêu cực tới cảnh quan các bãi biển” - thạc sĩ Nam nhấn mạnh.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Thiết kế dành cho tương lai - nhà nghỉ sinh thái

Nhà nghỉ sinh thái Jordan là một trong những thử nghiệm để nghiên cứu những loại vật liệu xây dựng bền vững, thân thiện với môi trường , và những áp dụng này ngày càng phổ biến.




Người sáng lập chính của dự án Aziza Chaouni chính là Aziza Chaouni , vai trò khác là Trợ lý Giáo sư tại Khoa Kiến trúc, cảnh quan và thiết kế tại Đại học Toronto, đã chọn một số nhà nghỉ sinh thái mà bà đến thăm trong một chuyến công tác ở khu vực Sahara và Sa mạc Ả Rập như sự khởi đầu cho một tương lai bền vững.

Những cấu trúc nhà nghỉ sinh thái này là sự kết hợp giữa cũ và mới. “Chúng được xây dựng để giúp bạn tồn tại ở giữa nơi mà thiên nhiên không ưu ái”, Aziza Chaouni cho biết.

Một số nhà nghỉ sinh thái thực sự đã tồn tại được giữa môi trường khắc nghiệt này, bằng việc sử dụng hệ thống thông gió thậm chí các hệ thống xử lý nước thải. Một số khai thác các yếu tố môi trường cảnh quan xung quanh như việc sử dụng nhiệt để thay đổi nội thất một cách thích hợp.

Mỗi nhà nghỉ sinh thái được thiết kế để sử dụng năng lượng mặt trời thông qua ống khói, thu gió và đẩy gió thổi qua sàn hoặc tường, sử dụng tỷ lệ truyền thống để xây dựng các khe hở. Mỗi mặt của một tòa nhà theo các hướng Đông, Tây, Bắc, Nam được quy định rõ ràng cho các thợ thủ công địa phương. Các thiết kế này bắt nguồn từ thực tế, theo nghĩa thông thường.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Trang trại chăn nuôi heo đầu độc người dân ở Đồng Nai

Một năm mới đến được hàng vạn người dân Tp. Hồ Chí Minh chào đón nồng nhiệt bằng màn bắn pháo hoa kéo dài gần 20 phút rồi rời khỏi khu trung tâm thành phố để lại đủ thứ rác rưởi vứt bỏ tràn trên mặt đường , vỉa hè, một hình ảnh vô cùng phản cảm và thiếu ý thức.

Vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đều được người dân địa phương nhắc đến tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri. Các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hành chính các chủ trại chăn nuôi gây ô nhiễm theo “quy chuẩn chung”, nhưng sự tái phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Vậy các hộ dân xung quanh khu chăn nuôi phải làm gì với ô nhiễm?



Nước thải tại “hồ lắng” ở một trại heo ở KP.4, phường Long Bình.



* Loay hoay chống ô nhiễm

Nhiều hộ dân ở Khu Phố 2 và Khu Phố 4, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bức xúc cho biết: “Dù sống giữa thành phố, nhưng hơn 8 năm nay chúng tôi luôn phải khổ sở vì những trại heo ngang nhiên xả phân, nội tạng heo ra cống công cộng gây ô nhiễm môi trường. Những ngày nắng mùi hôi thối bốc lên không ai chịu được, nhà tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày, khi ngủ phải đeo khẩu trang. Còn vào mùa mưa, chỉ cần vài cơn mưa kéo dài thì cả con đường đều chịu cảnh ngập. Thanh niên trong xóm phải lội nước mưa lẫn với phân heo để ra cống vớt lòng heo, phế thải từ heo để khơi thông dòng chảy”.

Ở huyện Thống Nhất, các hộ dân sống gần trang trại chăn nuôi cũng vất vả chống chọi với phân heo, phân gà. Bà T.T.M. (ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3) phản ánh: “Vùng này vốn nổi tiếng về nghề trồng hoa và rau củ, nhưng gần 10 năm nay thì vụ mùa liên tục thất thu. Các trại heo quanh đây lắp cống ngầm rồi xả chất thải trực tiếp ra kênh mương tưới tiêu, khiến cho các vườn tược liền kề liên tục bị hư hại”. Để đối phó, mỗi năm nhà vườn phải xây thêm những hàng gạch để tránh phân heo tràn vào. Nhiều hộ phải đầu tư lại đường tưới tiêu, đắp đất mới cao hơn, làm lại vườn. Không chỉ vậy, nhà cửa cũng phải nâng nền cao lên để tránh mưa to, cống tràn, chất thải chăn nuôi tràn vào nhà.

Cùng chung nỗi bức xúc, ông P.T.H. (ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3) chỉ cho chúng tôi những tấm đan che cống chạy dài quanh xóm mới được làm nhằm hạn chế ảnh hưởng của phân heo, rồi cả một đống “chất thải” từ heo đọng lại cạnh chậu cây cảnh trong sân nhà. Thậm chí, giếng đào ở đây dường như bị bỏ hoang vì nước có mùi và đã đóng quạnh vàng đen. “Để sử dụng nước giếng, chúng tôi phải khoan giếng thật sâu may ra nguồn nước đỡ bị ô nhiễm hơn một tí” - ông H. nói thêm.

Các trại heo tại ấp 6, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) khá quy mô, nhưng đa phần chủ trại chăn nuôi đều là người từ nơi khác đến lập trại làm ăn. Được sự hướng dẫn của anh P. (dân câu cá ở địa phương), chúng tôi lần theo con đường “rừng” đến một dòng chảy đổ ra suối Sông Lạnh (ấp 6, xã Sông Trầu). Tại đây, chúng tôi bắt gặp nhiều mảnh ruộng, vườn ao bỏ hoang bởi không thể canh tác vì phân heo nổi bọt tràn ngập mặt nước. Là người nhiều lần đi bít cống nước thải từ các hộ chăn nuôi heo đổ ra suối, anh P. cho biết 5 năm trở lại đây, lần nào đi câu cá về anh cũng bị ngứa ngáy toàn thân do nước quá ô nhiễm. “Các trại nuôi heo ở đây thường lập gần suối để dễ dàng xả chất thải. Chúng tôi rất khó gặp được chủ trại heo để yêu cầu dừng việc làm này, vì không biết họ từ đâu tới, chỉ biết họ làm ăn và thuê người khác trông coi” - anh P. nói.

Đã có nhiều hệ lụy từ việc ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, như: người dân xung quanh bị bệnh tật, giếng nước bị ô nhiễm, vườn ao gần các trại chăn nuôi phải bỏ hoang… Thậm chí, việc chăn nuôi trong thị trấn, thành phố khiến người dân xung quanh không thể buôn bán hàng quán vì mùi hôi thối gây ảnh hưởng… Những vấn đề này xảy ra chủ yếu do các hộ chăn nuôi không áp dụng công nghệ xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn.



Để tránh chất thải chăn nuôi những vườn hoa màu ở xã Gia Tân 3 được nâng nền cao và xây tường.


* Xử lý chất thải tại sao khó ?

Có thể áp dụng nhiều mô hình, công nghệ tùy theo đặc điểm của từng vùng, từng hộ, từng mô hình chăn nuôi để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi  . Nhưng nhiều hộ chăn nuôi cho rằng, việc chăn nuôi nhỏ lẻ thì chất thải ít và có thể tận dụng để bón rau, nuôi cá nên không cần tốn tiền xây hầm biogas. Một số vùng chăn nuôi do bị quy hoạch nên sản xuất không ổn định, người chăn nuôi không muốn đầu tư công nghệ xử lý chất thải. Đặc biệt, chi phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải khá cao nên các hộ chăn nuôi ít chịu bỏ vốn đầu tư, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…

Ông T.V.H. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình tôi sống ở phường Trảng Dài đã nhiều năm, từ lúc nơi đây còn thưa thớt dân ở và được quy hoạch thành vùng cho phép chăn nuôi heo. Bây giờ cuộc sống đã ổn định mà lại di chuyển đến vùng chăn nuôi mới thì chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện”.

Còn bà N.T.Đ. (ngụ KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) thì cho biết, hiện chồng bà bị bệnh tai biến, nguồn sống của cả gia đình chỉ biết dựa vào việc nuôi vài chục con heo. Mặc dù biết không được phép nuôi heo trong khu đông dân cư và đã được nhắc nhở rất nhiều lần, nhưng theo bà Đ., nếu bỏ nghề chăn nuôi heo thì bà không biết làm gì để sống.

Có rất nhiều lý do được các chủ trại, hộ chăn nuôi đưa ra để biện minh cho hành vi xả chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là ý thức bảo vệ môi trường của những người chăn nuôi chưa cao gây ô nhiễm như hiện nay. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường do chăn nuôi hiện nay chưa được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt và triệt để.

Đặc biệt, “xử lý hành chính chỉ là giải pháp phần ngọn. Muốn chấm dứt ô nhiễm thì phải hạn chế nuôi heo. Khi đó, những người chăn nuôi sẽ làm nghề gì để sinh sống là vấn đề cần giải quyết của các ngành chức năng. Riêng về chính sách hỗ trợ di dời, các hộ chăn nuôi heo phải có số heo nái từ 30 con, heo thịt từ 100 con trở lên. Trên thực tế, có nhiều hộ chỉ nuôi vài chục con heo nên khó được hưởng chính sách hỗ trợ” - ông Đặng Văn Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa, cho biết.

Với tình trạng nay ở, mai đi như những hộ chăn nuôi heo trong TP.Biên Hòa thì họ không còn tâm trí nghĩ đến việc làm thế nào để xử lý chất thải. Còn các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở nông thôn thì ngại bỏ ra một số tiền lớn đầu tư hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo môi trường. Vì vậy, việc xử lý chất thải chăn nuôi để không làm ô nhiễm môi trường xung quanh xem ra còn lâu mới chấm dứt.