Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Phát triển bền vững ở Bến Tre



 Địa hình được hợp nhất từ 3 dải cù lao: Bảo, Minh, An Hóa và bị chia cắt bởi 4 nhánh sông lớn của dòng sông Mê Kông. Bến Tre là một tỉnh nằm cuối nguồn của sông Mê Kông - một con sông lớn chạy qua nhiều nước của châu Á. Theo nhận xét của các chuyên gia quốc tế, do đặc điểm nằm cuối nguồn nên chất lượng nguồn nước của Bến Tre bị tác động xấu và đang ngày càng chịu áp lực nặng nề bởi các thách thức về nước trong tương lai.


Ảnh minh họa


Phân bố trên 4 nhánh sông lớn của tỉnh: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và các tuyến sông trong hệ thống phụ lưu của chúng với tổng lưu lượng nước mặt trung bình khoảng 7.512,3m3/s, . Tổng trữ lượng nước ngầm của Bến Tre chỉ đạt khoảng 32.640m3/ngày.

Tại thành phố Bến Tre, cũng như các khu đô thị chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Nước thải từ hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được thu gom, xử lý triệt để. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động khai thác tài nguyên cát gây xói mòn đất đã làm gia tăng độ đục trong nước, tạo điều kiện cho các kim loại nặng như sắt, nhôm và các chất ô nhiễm khác lan tỏa vào nguồn nước.

 Xâm nhập mặn theo chu kỳ, thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5. Trong đó, độ mặn 4%o đã xâm nhập cách cửa sông khoảng 50 - 60km; độ mặn 1%o xâm nhập sâu đến 70km và gần như bao trùm toàn tỉnh. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển, ô nhiễm do dầu tràn, tình hình xâm nhập mặn và hạn hán, nắng nóng kéo dài vào mùa khô đã làm cho nguồn tài nguyên nước ngọt của tỉnh ngày càng suy kiệt.

Ngoài ra, theo chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre xây dựng năm 2011, Bến Tre được đánh giá sẽ chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến tài nguyên môi trường đất và diện tích khu vực; tài nguyên môi trường nước; môi trường không khí. Từ đó, tác động đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, con người và tác động đến các lĩnh vực kinh tế.

Giải pháp về phát triển nguồn nước

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng cho biết: Trước mắt, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện 5 giải pháp chủ yếu. Đó là thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung và nguồn tài nguyên nước nói riêng. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng xã, phường, ấp, khu phố đạt chuẩn về môi trường, gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng ấp, khu phố văn hóa.

Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Theo đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm kiểm soát chặt chẽ và phát hiện xử lý tình hình khai thác trái phép, ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước tại cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể giữa các ngành, các cấp trong tỉnh nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước mặt. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nam Bộ và các tỉnh Đông Nam Bộ để thống nhất chương trình hành động giải quyết vấn đề môi trường liên vùng.

Trên thực tế, tỉnh đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các khu vực trọng điểm. Trong lĩnh vực sản xuất tại địa phương, doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng và phát triển các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp của tỉnh, doanh nghiệp buộc phải thực hiện đúng quy định về xử lý nước thải.

Dự kiến, thời gian tới, tỉnh sẽ kiểm soát và quản lý chặt chẽ sự bảo đảm yêu cầu về môi trường đối với các quy hoạch, dự án đầu tư ngay từ khâu phê duyệt, cấp phép. Đồng thời, kiên quyết không cho phép đưa vào vận hành, sử dụng các cơ sở sản xuất không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh hợp tác với các viện, trường đại học trong nước để nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp khoa học công nghệ và kỹ thuật mới trong sản xuất và bảo vệ môi trường.

Hướng đến hợp tác lâu dài

Đồng bằng sông Đa-nuýp và đồng bằng sông Mê Kông có nhiều điểm tương đồng. Do đó, ý tưởng hợp tác giữa hai châu lục Á - Âu, tiến đến hợp tác giữa tỉnh Bến Tre, Việt Nam và tỉnh Tulcea, Rumani để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau cùng quản lý tài nguyên nước bền vững sẽ là một giải pháp hay, thiết thực và mang tầm quốc tế đầu tiên của tỉnh.

Qua nghiên cứu so sánh và đánh giá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng - Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Cả hai đồng bằng, trong đó có tỉnh Bến Tre và Tulcea đều có sự tương đồng về tiềm năng phát triển nhưng cũng gặp phải các thách thức về bảo tồn đa dạng sinh học. Hai tỉnh này đều nằm cuối nguồn của hai dòng sông lớn thuộc hai châu lục. Nên cả hai đang chịu sự tác động ngày càng gia tăng của các hoạt động phát triển kinh tế, sự ô nhiễm môi trường tại các khu vực lân cận và hạn chế về nhận thức trong bảo vệ tài nguyên môi trường của con người.



Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng, việc hợp tác giữa hai đồng bằng thông qua hai tỉnh của hai quốc gia thuộc hai đồng bằng sông Đa-nuýp và Mê Kông sẽ được cụ thể hóa qua Dự án “Thành lập thí điểm khu bảo tồn đất ngập nước phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm Tri thức phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông Mê Kông, giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của việc thực hiện dự án nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ đất ngập nước, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đồng bằng sông Mê Kông và mối quan hệ hợp tác Á - Âu, Mê Kông và Đa-nuýp đi vào chiều sâu. Dự án sẽ khảo sát, học tập kinh nghiệm thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại Tulcea để áp dụng trong quản lý thành công khu bảo tồn đất ngập nước Vàm Hồ, huyện Bình Đại, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước, cải thiện sinh kế bền vững cho Bến Tre nói riêng, các địa phương của các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông nói chung.

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét