Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Sáng chế đáng ngưỡng mộ của nông dân Việt

Lão nông tái chế lốp cao su xuất khẩu ra nước ngoài

Ông Nguyễn Lương Thông (SN 1959, quê Ý Yên, Nam Định) được người dân trong vùng mệnh danh là "Vua tái chế cao su" bởi những sản phẩm tái chế từ các lốp xe bỏ đi để làm giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại…của ông đã được xuất ra tận nước ngoài.


Các sản phẩm đã được tái chế.

Ông Thông tách các lớp cao su từ lốp xe ô tô hỏng thành các mảnh là đến công đoạn đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo màu sắc như mới cho sản phẩm. Sau đó phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau.


Mỗi tháng gia đình ông Thông chế tạo ra 20.000 sản phẩm.

Với mức giá nguyên liệu đầu vào dao động từ 3.500-4.500 đồng/kg lốp thường và 10.000 đồng/kg lốp đặc chủng và giá bán ra cả trăm nghìn đồng/ đôi, tùy loại, hàng năm gia đình ông thu nhập lên tới trên 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, gia đình ông Thông còn kết hợp làm thêm các sản phẩm mây tre đan, vốn là thế mạnh truyền thống của địa phương.

Ngoài tái chế cao su, ông Thông còn chế tác các sản phẩm kỹ nghệ.


Các sản phẩm kỹ nghệ của gia đình ông Thông

Hiện nay, công ty gia đình ông Thông có hàng nghìn m2 nhà xưởng và đang mở rộng thêm, làm cả sang nhiều lĩnh vực khác để xuất đi nước ngoài. Trước đây, mỗi năm, gia đình ông xuất sang thị trường các nước khoảng 10.000 sản phẩm. Thời gian gần đây, con số này đã lên tới 15-20.000 sản phẩm/tháng.

Không những tạo lợi nhuận giúp gia đình, xưởng sản xuất cao su của ông Thông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương từ 3-7 triệu đồng mỗi tháng. Những lao động trong gia đình ông chủ yếu là người thân của các đồng đội nhập ngũ trước đây, mời về làm để tạo điều kiện tăng thêm thu nhập.

Ông Thông chia sẻ, cơ duyên đến với sự nghiệp tái chế này bắt đầu rất tình cờ khi có người tự giới thiệu thuộc Cty Thương mại Cánh đồng xanh, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) tìm đến, đưa các mẫu sản phẩm đặt ông làm thử. Sản phẩm của ông được khách hàng ưng ý và đem mẫu sản phẩm đi triển lãm Châu Âu vào năm 2007.

Với những thành quả đã đạt được, ông Thông tự tin rằng cơ sở sản xuất, tái chế cao su của mình là số một miền Bắc hiện nay.


Chiếc bể nước nóng ở Bắc Giang “gây sốt”

Từ vài năm trở lại đây, bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời đã không còn gì xa lạ với người dân. An toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên dồi dào và miễn phí chính là các cụm từ mà người ta sẽ liên tưởng ngay khi nhắc đến máy nước nóng Thái dương năng. 
Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là chi phí của bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời khá cao, thường gấp 4 – 5 lần so với bình nước nóng dùng điện thông thường. Do đó, sáng kiến tự xây bồn nước nóng năng lượng Mặt Trời của “lão ông” Bắc Giang 60 tuổi đang “xình xịch gây sốt” khắp cả nước.


Ông Tuấn bên bể nước nóng của mình

Ông Ngô Quốc Tuấn, hiện đang sinh sống tại thôn Tân Thành, phường Đa Mai, TP.Bắc Giang đã sáng kiến ra bể nước nóng năng lượng Mặt Trời vô cùng độc đáo. Ở thời điểm mùa hè, bể nước nóng có nhiệt độ lên đến gần 100oC, còn mùa đông, kể cả trong tiết trời âm u, gia đình vẫn có đủ nước nóng để dùng mà không tốn một xu tiền điện nào hết.

Đầu tiên, ông Tuấn xây một bể vuông giống như một bể nuôi cá cảnh bằng những tấm kính đơn giản và những miếng xốp dễ tìm. Dưới đáy và 4 mặt xung quanh đều là lớp kính đen dày 1cm để hấp thụ nhiệt. Phía trên bể nước là 2 lớp kính trắng 5 ly, đặt cách nhau từ 4cm đến 5cm để tạo thành lớp đệm không khí giữ nhiệt giống như ruột phích.

Còn chiếc bể thì được thiết kế theo nguyên tắc, diện tích tấm kính trên bề mặt tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời càng lớn thì nhiệt lượng thu được càng nhiều, do vậy diện tích bể gần 2m2 nhưng thành bể chỉ cao 20cm. Tuy kết cấu đơn giản nhưng chiếc bể rất hiệu quả trong việc hấp thụ và giữ nhiệt. Từ đó, giúp mọi người có nguồn nước nóng quanh năm sử dụng mà chẳng lo vấn đề lạnh giá dù Bắc Giang là tỉnh vùng cao phía Bắc hầu như lạnh quanh năm.

Bồn nước nóng Thái dương năng của người nông dân Bắc Giang là sự minh chứng rõ ràng nhất về sự đơn giản, hiệu quả khi tận dụng nguồn năng lượng Mặt Trời để có được nguồn nước nóng thông qua một bể nước tự chế, thuận tiện, không tốn điện năng, giá thành rẻ, an toàn, có thể lắp đặt ở bất cứ đâu. Sau khi sử dụng thành công, ông Tuấn đã không ngần ngại giúp đỡ bà con xung quanh để xây dựng những chiếc bể tương tự nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng nước nóng hằng ngày để tiết kiệm chi phí hơn.

Sự sáng tạo, tài năng của con người dường như chẳng phân biệt tuổi tác, địa vị. Hy vọng ông Tuấn sẽ có nhiều sáng kiến hay hơn nữa trong tương lai.

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét