Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Sớm khắc phục việc khu tái định cư bị bỏ hoang ở Kon Tum




Nhiều khu tái định cư tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông (Kon Tum) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang, không người ở. Sau khi có phản ánh của báo chí, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ra văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum tiến hành kiểm tra nguyên nhân và báo cáo để có hướng khắc phục.




Người dân không “mặn mà”




Được triển khai năm 2010 tại 4 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông nhằm bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Theo đó, tại huyện Đăk Glei có 268 hộ với 1.064 nhân khẩu được bố trí di dời về khu tái định cư. Tại huyện Tu Mơ Rông, có 1.532 hộ với 6.955 nhân khẩu được bố trí tái định cư. Tại huyện Sa Thầy, có 98 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại khu tái định cư lòng hồ thủy điện PleiKrông được bố trí nơi ở mới. Tại huyện Kon Plông, có 721 hộ với 2.782 khẩu được bố trí nhà tái định cư.




Tại các khu tái định cư, công trình hạ tầng đều được xây dựng hoàn thiện, nhà ở tái định cư đều được xây dựng hoàn chỉnh và bàn giao cho các hộ dân thuộc diện tái định cư về ở, công tác giải quyết đất sản xuất đều được các huyện quan tâm bố trí đủ cho các hộ tái định cư. Nhưng bên cạnh những điểm tái định cư đã có dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất thì tại một số điểm tái định cư khác, do bố trí cách xa nơi sản xuất nên dẫn đến hiện tượng các hộ dân bỏ nhà, quay về nơi ở cũ để sinh sống, sản xuất như tại thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei), thôn Long Tro, Ba Khen xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông).




bên cạnh đó, có nhiều hộ dân không đồng ý di dời về khu tái định cư, không đồng ý nhận nhà ở khu tái định cư. Cụ thể, tại thôn Xô Luông xã Đăk Nên (huyện Kon Plông), có 30 hộ chưa lên khu tái định cư nơi ở mới mà đang ở tạm trên tuyến đường tránh ngập tại làng. Trong đó, có 19 hộ đã đồng ý nhận nhà ở tại khu tái định cư nhưng quay về ở tại làng cũ, 11 hộ chưa đồng ý nhận nhà ở mới tại khu tái định cư và kiên quyết không chịu di dời về khu ở mới.



Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân



Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kiểm tra thực tế và báo cáo tình hình.




Báo cáo kiểm tra của Sở Nông nghiệp cho biết mặc dù các hạng mục công trình của dự án bố trí tái định cư ở các địa phương được thực hiện kịp thời và đồng bộ. Tuy nhiên, công tác duy tu, bão dưỡng công trình vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời dẫn đến một số nơi, các công trình xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh sống của các hộ dân làm cho các hộ dân không gắn bó với khu ở mới.




Thêm vào đó, việc bố trí nơi ở mà không tính đến khu sản xuất khiến người dân gặp khó khăn, tốn kém trong đi lại sản xuất hàng ngày, dẫn đến các hộ dân không gắn bó với nhà ở mới mà về nhà cũ gần khu sản xuất. Mặc dù, từ sau cơn bão năm 2009 đến nay, vẫn chưa có trận bão lớn nào nhưng hiện tượng thời tiết không thể lường trước trong khi nhiều người dân chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm nên vẫn sống ở nơi ở cũ. Một số hộ dân cố tình yêu sách, đòi giải quyết đền bù, bồi thường ngoài quy định mới chịu di dời về nơi ở mới.




Ông Hoàng Anh Quốc – Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết thêm về nguyên nhân dẫn đến tồn tại của một số khu tái định cư: “Sau khi tái định cư, việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người dân gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác khuyến nông, khuyến ngư, công tác xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân vẫn chưa được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện. Các phong trào sinh hoạt cộng đồng tại các khu ở mới vẫn chưa được các ngành đoàn thể quan tâm phát động, tạo không khí sinh động nơi ở mới. Do đó, các hộ dân vẫn chưa thực sự gắn bó lâu dài với khu tái định cư”.




Sau khi có kết quả kiểm tra và báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm công tác quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ tái định cư. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho các hộ dân tái định cư, xây dựng mô hình điểm về sản xuất nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân tái định cư, sớm ổn định cuộc sống. Chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể phát động các phong trào sinh hoạt cộng đồng tạo không khí sinh động tại các khu ở mới.




“Quan trọng nhất là các huyện phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động cho nhân dân nhận thấy được mức độ nguy hiểm khi mùa mưa lũ đến, để nhân dân tự nguyện về nơi ở mới nhằm bảo đảm về tính mạng và tài sản của mình. Đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo di dời toàn bộ các hộ đang còn trong vùng nguy hiểm về nơi ở tái định cư an toàn trong thời gian sớm nhất”, ông Hoàng Anh Quốc nói thêm.

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét