Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Hội thảo chuyên đề khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng ô nhiễm môi trường


Hội thảo chuyên đề "Quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường" được tổ chức nằm trong chuỗi các hội thảo chuyên đề của hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV vào sáng ngày 29/9 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia.



Tại Hội thảo chuyên đề này, các đại biểu đã được nghe 5 bài báo cáo tham luận của các chuyên gia và cùng nhau trao đổi, thảo luận về hiện trạng, tác động, đề xuất giải pháp đối với công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường bao gồm: “Quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại: Vấn đề đặt ra và định hướng giải quyết” do  Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất - PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm trình bày; “Thực trạng ô nhiễm và định hướng phục hồi, làm sống lại hồ, ao, kênh, mương, sông trong các đô thị, khu dân cư” của bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; “Quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam - Đề xuất và khuyến nghị” của GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ (Viện Kỹ Thuật Nước và Công nghệ Môi trường), TS. Trần Thị Hiền Hoa (Trường Đại học Xây dựng); “Ô nhiễm tồn dư đio-xin, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật: Thực trạng và định hướng xử lý, khắc phục” do PGS.TS. Lê Kế Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn và Vệ sinh lao động, ThS. Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, TS. Trần Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm phân tích và chuyển giao công nghệ, Viện Môi trường nông nghiệp trình bày; “Cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” của ThS. Lê Hồng Hải, Văn phòng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.


PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm báo cáo trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới; tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng đã và đang gây áp lực đến sức khỏe con người và môi trường.

Để khắc phục tình trạng này cần triển khai hiệu quả công cụ pháp lý trong công tác quản lý chất thải: xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trước khi hoạt động; nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương,...


Bên cạnh đó, quá trình phát triển diễn ra đặc biệt sôi động tại các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị nằm ở hạ lưu các cửa sông ven biển hoặc lưu vực sông lớn  dẫn đến chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông đang bị ô nhiễm, suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề tại 03 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

“Việc khôi phục làm sống lại các ao, hồ, kênh, mương, sông bị ô nhiễm suy thoái có thể thực hiện có hiệu quả theo nhiều cách tùy thuộc vào vấn đề và quy mô nhưng đều đòi hỏi các tiếp cận quản lý tổng hợp, sự thấu hiểu về bảo tồn nước mặt, hệ sinh thái cũng như sự hiểu biết về các biện pháp công trình và phi công trình, cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên, nhiều nơi và với tầm nhìn xa. Yếu tố quyết tâm của người lãnh đạo, sự đồng thuận của người dân và có được nguồn tài chính đủ là điều cực kỳ quan trọng” - bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết.




GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ -Viện Kỹ Thuật Nước và Công nghệ Môi trường


Về hiện trạng quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đô thị tại Việt Nam, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ cho biết tình hình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Để nâng cao công tác quản lý, xử lý nước thải này, trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò hướng dẫn, quản lý của nhà nước, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, vận hành các trạm xử lý nước thải,…

Mặt khác, ở Việt Nam, dioxin đã trở thành một gánh nặng “kép” đối với việc quản lý ô nhiễm dioxin do dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam luôn và dioxin có nguồn gốc từ công nghiệp, từ xử lý rác thải và từ các nguồn khác.
PGS. TS. Lê Kế Sơn

Để nâng cao công tác quản lý dioxin tại Việt Nam trong thời gian tới cần phải có những nghiên cứu bổ sung để đánh giá chính xác và đầy đủ các điểm ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ tại một số sân bay quân sư khác và lựa chọn phương án xử lý tập trung số đất bùn bị nhiễm dioxin có nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép; cần có kế hoạch quan trắc định kỳ và lâu dài tại các vùng ô nhiễm nặng đã và chưa được xử lý, lưu ý quan trắc dioxin và Asen trong nước ngầm, vì trong một số chất diệt cỏ đã được sử dụng có chứa Asen; phải có chương trình kiểm soát toàn diện dioxin có nguồn gốc khác, đặc biệt tại các lò đốt rác công nghiệp và rác thải sinh hoạt; loại bỏ các lò đốt rác có công nghệ lạc hậu; xem xét bổ sung và điều chỉnh ngưỡng dioxin cho phép tại các nguồn phát thải khác nhau,…

Bên cạnh công tác quản lý dioxin thì công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật cũng là một vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới. Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu (sau đây gọi tắt là điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu) tính đến tháng 6 năm 2015 trên địa bàn toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ theo QCVN 54:2013/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ theo mục đích sử dụng đất thì hiện có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Để xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cần tăng cường công tác chống nhập lậu HCBVTV không rõ nguồn gốc; hạn chế việc phát sinh các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu mới; cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quản lý, xử lý HCBVTV tồn lưu; xây dựng các hướng dẫn quản lý, xử lý và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu,…



Ông Lê Hồng Hải


Trước tình trạng ô nhiễm như vậy, việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trở thành vấn đề rất thiết thực, quan trọng đối với mỗi người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tập quán và hành vi vệ sinh của người dân đã được cải thiện. Môi trường nông thôn đang thay đổi.


Tiếp đó, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến như cần tăng cường quản lý, xử lý, thu gom chất thải nguy hại tại các địa phương, cải tiến mô hình, trao nhiều quyền hơn cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tại các địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường,…

Có thể nói, Hội thảo đã thực sự tạo lập thành công diễn đàn để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia tra đổi, thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu nhận được nhiều ý kiến quý báu của các chuyên gia giúp công tác quản lý môi trường của Việt Nam từng bước được nâng cao hơn nữa.

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét